• Loading...
 
CHI CỤC KIỂM LÂM YÊN BÁI NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG
Ngày xuất bản: 25/12/2017 11:40:00 SA
2099: view

  Yên Bái là một tỉnh miền núi với hơn 70% tổng diện tích đất tự nhiên được quy hoạch cho lâm nghiệp. Chính vì vậy ngành lâm nghiệp luôn là một thế mạnh của tỉnh  Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã áp dụng nhiều giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh mang lại hiệu quả cao. Một số giải pháp chính mà chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã áp dụng là:

- Trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công công tác phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường theo “Đề án vị trí việc làm”; từ công việc, nhiệm vụ được phân công cụ thể cho từng cán bộ và phù hợp với năng lực trình độ cũng như sở trường.

- Ngoài việc thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cử công chức đi đào tạo chuyên sâu; Chi cục Kiểm lâm Yên Bái quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, vì nhân dân phục vụ. Để làm được điều này; Ban lãnh đạo chi cục thường xuyên đến từng trạm, Hạt vừa kiểm tra, giám sát việc chức trách nhiệm vụ của công chức vừa nói chuyện, động viên tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và tình cảm của anh em. Từ các buổi làm việc đó đã kịp thời phát hiện những nhận thức sai lệch của công chức trong ngành để điều chỉnh vì vậy luôn giữ được đội ngũ công chức trong sạch, vững mạnh; trong nhiều năm liền không có đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân về công chức trong ngành khi thực thi công vụ.

- Chú trọng đặc biệt đến công tác quản lý bảo vệ rừng của khu vực giáp ranh vì địa bàn giáp ranh luôn là vấn đề nhạy cảm, công tác quản lý bảo vệ rừng tại những địa bàn giáp ranh nếu làm không khéo có thể xảy ra những tiêu cực trong nhân dân; ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng.

Đối với vùng giáp ranh trong tỉnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái thường xuyên chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh tăng cường phối hợp cùng nhau giải quyết các vấn đề chung vùng giáp ranh. Kiểm lâm địa bàn các xã giáp ranh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã “Ký cam kết phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản  và phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh giữa các xã”; Các tổ đội Bảo vệ rừng của các xã giáp ranh cùng nhau đi tuần tra rừng, kiểm soát lâm sản trong khu vực; phối hợp giúp đỡ nhau trong công tác chữa cháy rừng. Vì vậy trong nội bộ tỉnh Yên Bái không có điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép, buôn bán lâm sản trái phép

Đối với vùng giáp ranh với các tỉnh bạn: Chi cục Kiểm lâm Yên Bái thường xuyên phối hợp với các tỉnh bạn thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ký cam kết bảo vệ rừng với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu. Hạt kiểm lâm các huyện vùng giáp ranh của tỉnh Yên Bái cũng tự chủ động phối hợp thực hiện Ký cam kết giáp ranh với các huyện của các tỉnh bạn và chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực giáp ranh. Nhờ vậy mà những vấn đề xảy ra liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh đều được giải quyết một cách khẩn trương, kịp thời, không gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

- Quản lý, bảo vệ rừng phải từ gốc; nếu không có người dân tham gia vào công tác này thì không bao giờ có thể thành công. Yên Bái là một tỉnh phần lớn là người dân sống phụ thuộc vào nghề rừng, trình độ dân trí còn thấp nhất là một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài chính sách tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu mà bấy lâu nay Lực lượng Kiểm lâm Yên Bái vẫn áp dụng chúng tôi còn thực hiện một số các giải pháp khác như:

Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến công tác Quản lý bảo vệ rừng khác nhau như: Tổ chức lồng ghép với họp thôn bản; phổ biến bằng tờ rơi, áp phích song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc (Tiếng Mông). Một số Trạm Kiểm lâm còn phối hợp được với Ủy ban nhân dân các xã xây dựng định kỳ một chương trình phổ biến và giải đáp pháp luật về công tác Quản lý bảo vệ rừng; Kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong công tác trồng, chăm sóc rừng trên đài phát thanh của xã bằng tiếng dân tộc của địa phương đó (tiếng Mông, tiếng Dao).

Thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình: Nhiều cán bộ kiểm lâm địa trực tiếp đến với từng hộ gia đình nói chuyện, tuyên truyền về Luật Quản lý bảo vệ rừng; hướng dẫn bà con những kỹ thuật mới áp dụng đạt hiệu quả kinh tế cao trong trồng rừng.

Nhờ thực hiện các giải pháp này những mà Yên bái ngày càng làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng;

- Trong vong 5 năm từ năm 2012 đến năm 2017 diện tích đất có rừng đã tăng lên gần 30 nghìn ha; nâng độ che phủ từ 58,8% năm 2012 lên 62,8% năm 2017. Hiệu quả từ kinh tế lâm nghiệp nâng lên, nhiều hộ dân đã sống và làm giàu được bằng nghề rừng. Hàng năm, tỉnh Yên Bái trồng mới được trên 15 nghìn ha.

- Công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, chế biến, tàng trữ lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tại cơ sở, các vụ việc vi phạm đã được xử lý kịp thời, đúng pháp luật không để xảy ra điểm nóng trong vận chuyển lâm sản. Đạo đức công vụ của lực lượng công chức trong ngành được nâng cao, trong nhiều năm liền không có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện cán bộ công chức trong ngành.

          - Công tác tuyên truyền vận động đã phát huy được vai trò, tác dụng của mình. Thay đổi được nhận thức của chính quyền địa phương và người dân; công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bây giờ không chỉ còn là riêng của lực lượng kiểm lâm mà là của toàn dân, được sự ủng hộ của chính quyền.

          Trong những năm qua; với sự đồng lòng nhất trí của Ban lãnh đạo chi cục, cán bộ công chức trong ngành mà lực lượng kiểm lâm Yên Bái ngày càng lớn mạnh, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngày càng ổn định, đưa lâm nghiệp trở thành thế mạnh của tỉnh; góp phần ổn định tình hình an ninh trật t, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

            Nguyễn Thị Kim Phượng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập