• Loading...
 
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu: Nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng
Ngày xuất bản: 06/10/2017 2:57:00 CH
1562: view

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nằm trên địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với tổng diện tích đất rừng 16.399,92 ha, trong đó có 7.250 ha rừng thuộc diện phải được bảo vệ nghiêm ngặt; 9.054,42 ha rừng phục hồi sinh thái. 80% diện tích là rừng nguyên sinh với trên 40 loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ; hàng trăm loại thực, động vật quý hiếm có giá trị. Hệ thực vật nhiều tầng đan xen lẫn nhau tạo nên một thảm thực vật phong phú gồm trên 40 loại cây quý hiếm như: dẻ tùng sọc trắng, thảo quả, sa nhân đỏ, gù hương… Trong số này có tới 3 loài được liệt vào dạng nguy cấp: Kim tuyến, Tô mộc, Chò chỉ; 11 loài sẽ nguy cấp như: song mật, lát hoa, gù hương… và còn nhiều loại đang bị đe dọa như: hoàng đằng, ba gạc. Về động vật cũng có nhiều loài động vật có giá trị bảo tồn trong nước và quốc tế. Loài thú có: báo hoa mai, mèo gấm, báo lửa, cầy vằn bắc…; loài chim có: hồng hoàng, gà lôi trắng và nhiều loài trong họ khướu, bộ sẻ; các loài bò sát có: hổ mang chúa, rùa đầu to, kỳ đà hoa…

Hiện nay, công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đang chịu nhiều sức ép do dân số sống trong vùng đệm ngày càng tăng. Người dân thường vào rừng khai thác tài nguyên rừng trái phép, làm mất cân bằng hệ sinh thái động, thực vật rừng. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu cho thấy, trong 5 năm (2010 - 2015) đã phát hiện 98 vụ với 61 đối tượng vi phạm về khai thác trái phép lâm sản rừng, thu giữ 74,79 m3 gỗ pơ mu; 7,71 m3 gỗ đinh trắc; 52,44 m3 gỗ từ nhóm IV-VIII; xử phạt vi phạm hành chính 604 triệu đồng; Khởi tố hình sự 2 vụ về tội hủy hoại rừng gây thiệt hại 5,1 ha rừng phòng hộ và 4,55 ha rừng sản xuất.

Cùng với đó, do nhu cầu sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, trưng bày… có xu hướng gia tăng nên tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp ngày càng diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là việc người dân sử dụng súng săn, súng tự chế, đặt bẫy để tàn sát thú rừng. Năm 2016, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên xử lý 27 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu giữ trên 8,068 m3 gỗ các loại, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 57,5 triệu đồng. Thêm vào đó, các hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, làm đường giao thông và chăn thả gia súc tự do trong rừng đặc dụng đã vô hình làm mất dần đi các sinh cảnh tự nhiên quan trọng của các loài thú trong khu vực bảo tồn. Các quần thể sống trong điều kiện sinh cảnh bị chia cắt và thu hẹp sẽ dẫn tới tình trạng giao phối nội dòng, suy thoái thế hệ.

Trước thực trạng trên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu xác định công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên lãnh đạo đơn vị luôn bám sát nhiệm vụ được giao và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Hàng năm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu luôn chủ động xây dựng các phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững, đồng thời thực hiện tốt quy chế phối hợp với các đơn vị giáp ranh, tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng yếu, điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, xâm lấn đất rừng, săn bắt động vật, cài đặt các tin báo để kiểm soát tình hình, nhờ đó tình trạng khai thác lâm sản trái phép, săn bắn động vật đã giảm. Một tổ Kiểm lâm gồm từ 3 - 4 cán bộ được thành lập và duy trì thường xuyên tại xã Nà Hẩu với nhiệm vụ tham mưu về các giải pháp bảo vệ rừng; giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm, hộ. Ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện Văn Yên còn huy động lực lượng dân quân, người có uy tín của đồng bào bản địa cùng tham gia bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên đã đề ra một số giải pháp như: Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của Khu Bảo tồn thiên nhiên; Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý, xây dựng phòng thí nghiệm để nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, lưu giữ, nhân giống và bảo quản các mẫu vật di truyền hoang dã; thiết lập cơ sở dữ liệu, chế độ báo cáo và cơ chế chia sẻ thông tin về đa dạng sinh học với các khu bảo tồn quốc gia. Áp dụng và thực hiện các giải pháp khoa học công nghệ trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Thời gian qua, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã nỗ lực kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án như: Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ), Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF)... để từng bước nâng cao lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã xác định được tình trạng phân bố của một số loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm; các hệ sinh thái phong phú, nhiều tầng có giá trị cũng như xác định được các mối nguy cơ đe dọa để có phương án bảo tồn đạt hiệu quả hơn. 

Trong thời gian tới, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân sống trong vùng đệm khu bảo tồn; Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS vào công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đồng thời, có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại khu bảo tồn, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao; Tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn; Tăng cường các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm...

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, yếu tố tiên quyết là phải sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đệm, vùng lân cận, sớm dịch chuyển các hộ gia đình, cá nhân hiện đang sinh sống, sản xuất và chăn thả gia súc trong vùng lõi khu bảo tồn ra ngoài vùng đệm. Mặt khác, cần bổ sung đủ biên chế và tăng cường nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR, nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học. Do vậy, Ban quản lý khu bảo tồn kiến nghị Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF) sớm đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia được nhận tài trợ thực hiện các dự án nhỏ; Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái tạo điều kiện cho cán bộ công chức kiểm lâm Khu bảo tồn được tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; UBND tỉnh Yên Bái và các Sở, ngành có liên quan bố trí nguồn kinh phí để thực hiện dự án Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng đến năm 2020… nhằm phát triển bền vững để bảo tồn hệ sinh thái rừng thiên nhiên quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái và phục vụ nghiên cứu khoa học theo định hướng của tỉnh và Trung ương.

 

                                Nguyễn Thị Minh – Phòng Hành chính tổng hợp 

 

 

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập