• Loading...
 
Kết quả hoạt động Công tác Quản lý bảo vệ rừng, Bảo tồn thiên nhiên Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải năm 2023
Ngày xuất bản: 14/07/2023 9:28:00 SA
368: view

 Mù Cang Chải là huyện vùng cao tỉnh Yên Bái mang khí hậu đặc trưng của vùng Tây Bắc có diện tích rừng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, đất đồng thời cũng là vùng có nhiều loài động thực vật quý hiếm đặc trưng của vùng chuyển tiếp. Đặc biệt huyện Mù Cang Chải là một trong hai sinh cảnh còn lại có sự tồn tại của loài Vượn đen tuyền (Nomascus concolor). Trước yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên còn lại và bảo tồn các loài động thực vật quí hiếm, ngày 09 tháng 10 năm 2006 UBND tỉnh Yên bái đã ban hành Quyết định thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh huyện Mù Cang Chải. Mục đích là cùng với các Khu bảo tồn và vườn quốc gia trong cả nước tham gia bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen quí hiếm và đặc hữu không chỉ của tỉnh Yên bái mà còn có tầm quan trọng trong cả nước. Với những cố gắng quyết tâm của lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt (Ban Quản lý được tổ chức theo mô hình kiêm nhiệm giữa các phòng nghiệp vụ của văn phòng Chi cục và Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải) đã hình thành sự quản lý chặt chẽ đa dạng, có sự phối hợp tổ chức FFI Việt Nam đã giúp BQL quản lý động vật vẫn đem lại kết quả khả quan.

Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích là tổng diện tích Khu bảo tồn: 20.102,9 ha. Năm 2023, kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đạt được như sau:

1.Tình hình quản lý bảo vệ rừng:

Trong năm 2023, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chi cục Kiểm tỉnh Yên Bái, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, UBND các xã trong khu bảo tồn, các tổ bảo vệ rừng, các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trong phạm vi quản lý của khu bảo tồn. Vì vậy công tác quản lý bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đã làm tốt, hạn chế tối đa số vụ vi phạm Luật quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt không để xẩy ra cháy rừng tại Khu bảo tồn.

- Về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật: Năm 2023, trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 02 vụ và xử lý hình sự và 03 vụ xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước.

- Về mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật: Trong khu bảo tồn không để xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật.

- Về quản lý động vật hoang dã: Hoạt động săn bắn và đặt bẫy trong Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đã giảm đi rõ rệt do sự nỗ lực tuyên truyền của Ban quản lý, các cán bộ kiểm lâm, các cấp các ngành, chính quyền địa phương từ đó người dân nhận ra tầm quan trọng của các loài động vật với khu bảo tồn. Bên cạnh đó nhờ hoạt động của 4 nhóm tuần tra rừng và các hộ gia đình địa phương ký kết hợp đồng bảo vệ rừng với Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải nên những năm gần đây hoạt động bảo tồn có hiệu quả cao.

- Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Mặc dù là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh Yên Bái, nguy cơ xảy ra cháy rừng vào mùa khô hanh là rất cao, nhưng năm 2023 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải không xảy ra cháy rừng ảnh hưởng tới rừng và tính đa dạng sinh học. Có được thành tích này phần lớn là nhờ sự phối hợp công tác phòng cháy giữa Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải và chính quyền địa phương các xã trong khu bảo tồn. Các xã trong Khu bảo tồn đều đã thành lập nhóm bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm kí cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với từng hộ gia đình. Hoạt động này hiện nay thực hiện có hiệu quả cần được duy trì và nhân rộng.

- Về phối hợp thực hiện quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có 17.249,9 ha rừng đặc dụng tại xã Chế Tạo giáp ranh với tỉnh Lai Châu và tỉnh Sơn La. Đây là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Vượn đen tuyền chủ yếu sinh sống trong Khu vực này vì vậy nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cấp, các ngành việc quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ loài vượn đen tuyền sẽ vô cùng phức tạp, rất dễ xảy ra tình trạng mất rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải (Thường trực Ban quản lý Khu bảo tồn) thường xuyên bám sát cơ sở vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư trái phép, không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; không xâm canh, mở rộng diện tích trồng cây Thảo quả.

- Về Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (các chương trình, dự án trong nước/ nước ngoài và các hoạt động có liên quan). Ban quản lý Khu bảo tồn đã hợp tác với tổ chức FFI Việt Nam có hoạt động hợp tác về bảo tồn thiên nhiên trong một số hoạt động như:

Duy trì, chi trả cho 13 thành viên tham gia tuần tra QLBVR, giám sát đa dạng sinh học, tại khu bảo tồn Mù Cang Chải. Với mức trợ cấp lương là: 1.400.000 đồng/1tháng/1người.

Tổng số thời gian tuần tra của các nhóm trong năm 2023 như sau: Tuần tra, giám sát đa dạng sinh học là: 429 ngày; Số giờ tuần tra là: 3.202,185 giờ; Số quãng đường tuần tra là: 4.687,669 km; Ghi nhận vượn: 52 lần.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức như:

(1). Diện tích khu bảo tồn loại sinh cảnh đã dược đưa vào quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Yên Bái từ năm 2006 và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất để quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng tại Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 25/5/2011, theo đó Khu bảo tồn có diện tích 20.108,40 ha, nằm trên địa giới hành chính của 5 xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình và Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên từ khi thành lập đến nay việc đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ, chưa được thực hiện do vậy chưa đảm bảo yêu cầu về quản lý rừng bền vững, trong thời gian tới cần sớm giải quyết những tồn tại này.

(2). Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng cho Khu bảo tồn còn thiếu, chưa thu hút, kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế xã hội ở vùng đệm. Tỷ trọng vốn đầu tư của xã hội cho công tác bảo vệ rừng không đáng kể. Kinh phí đầu tư cho hoạt động của Ban quản lý và nghiên cứu khoa học gần như là không có, cơ sở vật chất thiếu thốn do vậy các hoạt động trong khu bảo tồn còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ rừng bền vững.

(3). Ban quản lý Khu bảo tồn hoạt động kiêm nhiệm nên việc tổ chức quản lý và thực hiện công tác bảo tồn còn gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ trong khu bảo tồn còn thiếu, địa bàn hoạt động rộng, trang thiết bị, phương tiện chưa đáp ứng được tình hình quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, cần phải được quan tâm đầu tư hơn nữa.

(4). Đời sống của nhân dân còn nghèo sống chủ yếu dựa vào rừng để khai thác, săn bắn động vật hoang dã. Đây là áp lực rất lớn đối với Khu bảo tồn, mặc dù cộng đồng có những cam kết với Khu bảo tồn nhưng việc ra vào rừng của các đối tượng này lực lượng Kiểm lâm rất khó kiểm soát.

(5). Sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành chức năng chưa thường xuyên liên tục và đồng bộ. Chính quyền một số xã chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm để kiểm tra, truy quét và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Với những khó khăn thách thức nêu trên, Ban quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đặt ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024

- Ban quản lý tiếp tục phối hợp với Quỹ bảo vệ rừng tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện chính sách Chi trả dịch vụ môi trường đúng thủ tục cho người dân.

- Trong công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung cũng như công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng, chính quyền địa phương luôn đóng một vai trò quan trọng là cầu nối đưa các chính sách vào thực tiễn. Năm 2024 Ban quản lý tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Quản lý lâm sản, Phòng cháy, chữa cháy rừng, Phát triển rừng cho Chính quyền địa phương các xã trong và vùng đệm Khu bảo tồn.

Hai là: Tiến hành triển khai các Hội nghị giao ban hàng quý với chính quyền địa phương các xã trong khu bảo tồn nhằm góp phần nâng cao mối liên hệ thường xuyên và liên tục giữa ban quản lý và chính quyền địa phương, từ đó cũng thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm duy trì công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đang dạng sinh học trong khu bảo tồn.

Ba là: Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ Ban quản lý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là:  Hoàn thiện Kế hoạch chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra. Nghiệm thu diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đúng quy định và chi trả tiền cho các hộ nhận khoán.

Năm là: Tiếp tục các hoạt động hợp tác Quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đối với tổ chức FFI (Việt Nam) nhằm duy trì trả lương cho 4 tổ bảo vệ rừng với 18 thành viên với các hoạt động giám sát đa dạng sinh học đặc biệt là hoạt động phục vụ công tác bảo tồn loài Vượn đen tuyền.

Trần Văn Lâm – Phòng Quản lý và Phát triển rừng

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện video

Lượt truy cập